Kẻ sát nhân
Kẻ sát nhân?
Hai thành viên của Hội yêu thích trinh thám trường Đại học Shinko, Hamura Yuzuru và Hội trưởng Akechi Kyousuke, đã lập giao kèo với cô nàng trinh thám học cùng trường Kenzaki Hiruko để được tham gia vào chuyến tập huấn mùa hè của Câu lạc bộ Nghiên cứu phim ảnh tại căn biệt thự Shijin. Tối đầu tiên của đợt tập huấn, ba người cùng các thành viên trong Câu lạc bộ Nghiên cứu phim ảnh ra ngoài thực hiện trò chơi thử thách can đảm. Nhưng tình huống chẳng ai ngờ tới ập đến, buộc tất cả mọi người phải cố thủ trong căn biệt thự.
Kết thúc đêm đầu tiên đầy căng thẳng và hỗn loạn, thi thể của một thành viên được tìm thấy trong căn phòng khóa trái. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của vụ án giết người hàng loạt tại chính căn biệt thự này!
Trên bờ vực của nỗi tuyệt vọng đến cùng cực, liệu Hamura, Akechi cùng Hiruko có thể làm sáng tỏ được những điều bí ẩn và sống sót đến phút cuối?
Akechi Kyousuke
Sinh viên năm ba khoa Khoa học tự nhiên Đại học Shinko, Hội trưởng Hội yêu thích trinh thám, biệt danh “Quý ngài Holmes trường Shinko”.
Kenzaki Hiruko
Sinh viên năm hai khoa Ngữ văn Đại học Shinko, là “cô nàng trinh thám” từng lí giải được rất nhiều vụ án khác nhau.
Hamura Yuzuru
Sinh viên năm nhất khoa Kinh tế Đại học Shinko, thành viên Hội yêu thích trinh thám.
Tatsunami Haruya
Tốt nghiệp Đại học Shinko,
bạn thân của Nanamiya.
Nanamiya Kanemitsu
Cựu thành viên Câu lạc bộ Nghiên cứu phim ảnh, con trai của chủ biệt thự Shijin.
Deme Tobio
Tốt nghiệp Đại học Shinko,
bạn thân của Nanamiya.
Shigemoto Mitsuru
Sinh viên năm hai khoa Khoa học tự nhiên Đại học Shinko, thành viên Câu lạc bộ Nghiên cứu phim ảnh. Có niềm đam mê cuồng nhiệt với một thể loại phim.
Nabari Sumie
Sinh viên năm hai khoa Nghệ thuật Đại học Shinko, thành viên Câu lạc bộ Kịch nghệ. Tính cách dễ bị lo lắng và hoảng sợ.
Shindo Ayumu
Sinh viên năm ba khoa Nghệ thuật Đại học Shinko, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghiên cứu phim ảnh.
Hoshikawa Reika
Sinh viên năm ba khoa Nghệ thuật Đại học Shinko, thành viên Câu lạc bộ Kịch nghệ. Người yêu của Shindo
Kanno Yuito
Người quản lí biệt thự Shijin
Hamasaka Tomonori
Giảng viên môn Sinh vật học ở Đại học Gisen.
Takagi Rin
Sinh viên năm ba khoa Kinh tế Đại học Shinko, thành viên Câu lạc bộ Nghiên cứu phim ảnh. Tính cách mạnh mẽ, dũng cảm.
Shizuhara Mifuyu
Sinh viên năm nhất khoa Y Đại học Shinko, thành viên Câu lạc bộ Nghiên cứu phim ảnh. Hiền lành, trầm tính.
Kudamatsu Takako
Sinh viên năm ba khoa Xã hội học Đại học Shinko, thành viên Câu lạc bộ Nghiên cứu phim ảnh. Có vẻ ngoài theo phong cách gyaru.
Ảnh minh hoạ nhân vật được lấy từ manga chuyển thể của tiểu thuyết này.
Đọc thử
KẺ SÁT NHÂN TRONG NGÔI NHÀ CHẾT CHÓC đã nhận được đánh giá cao từ Hội đồng tuyển chọn và đoạt giải thưởng Ayukawa Tetsuya lần thứ 27 vào năm 2017.
Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 2019 với sự tham gia của Kamiki Ryunosuke, Nakamura Tomoya và Hamabe Minami. Bộ phim từng được công chiếu tại Việt Nam.
Nhận xét về tác phẩm của Hội đồng tuyển chọn
Giải thưởng Ayukawa Tetsuya lần thứ 27 (2017)
Nào là bản vẽ phác thảo sơ đồ khách sạn xuất hiện ở phần đầu, nào là Hội yêu thích trinh thám của trường đại học, lại còn chuyến tập huấn được tổ chức để quay một bộ phim kinh dị, chính xác là một tác phẩm kinh điển và mẫu mực! Tôi cứ hào hứng đọc đến khi trên môi bất giác nở nụ cười lúc nào cũng không hay.
Khách sạn đột nhiên bị bao vây, đường liên lạc cũng bị cắt đứt, chỉ trong chớp mắt, mô-típ “vòng khép kín” đã được hoàn thành. Chưa kể đến nhân vật mà tôi cứ ngỡ đảm nhiệm vai trò thám tử…
Ôi trời, gọi là mới lạ hay kì quái cũng được, tôi đã quá choáng ngợp bởi cách tác giả triển khai tác phẩm truyện này rồi. Vụ án giết người hàng loạt được xây dựng dựa trên bối cảnh đặc biệt và khác thường, đến cuối cùng cũng được giải quyết rất gọn gàng.
Nói ngắn gọn thì đây là một tác phẩm vô cùng thú vị.
Đến giữa tác phẩm, khi số nhân vật xuất hiện nhiều lên, tôi đã lo ngại việc ghi nhớ tên của các nhân vật có thể trở nên khó khăn, thế nhưng thật tốt khi tác giả đã khéo lồng ghép phần giới thiệu và cách nhớ tên vào bằng trò chơi chữ.
Xét một cách tổng quan, tất cả các thành viên trong Hội đồng đều nhất trí lựa chọn Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc là tác phẩm đoạt giải. Bên cạnh đó, các tác phẩm khác cũng có mức độ hoàn thiện rất cao, quá trình đọc của tôi cũng diễn ra đầy thú vị. Tôi rất mong đợi được đọc thêm nhiều tuyệt tác khác vào năm sau!
Kano Tomoko
Trong lịch sử giải thưởng Ayukawa, đây đã là lần thứ 4 xuất hiện cuộc cạnh tranh ngang ngửa đầy khốc liệt. Buổi tuyển chọn bắt đầu bằng việc các thành viên trong Hội đồng phát biểu đánh giá theo năm cấp độ, và Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc được tất cả các thành viên chấm điểm A.
Cũng có thể coi đây là một kiệt tác. Nói là “cũng có thể”, bởi vì tôi không muốn dùng những từ ngữ hoa mĩ một cách tuỳ tiện. Mặc dù vậy, cân nhắc một cách cẩn trọng mà nói thì đây vẫn là một tác phẩm hoàn toàn có thể dễ dàng được xếp vào danh sách 10 tác phẩm trinh thám honkaku hay nhất trong năm.
Tôi đã cho rằng đây đơn thuần chỉ là câu chuyện kể về kì tập huấn của một nhóm sinh viên bình thường, nhưng càng đọc, tôi lại càng mong chờ cốt truyện có thể tiến triển đến mức khiến tôi không thể tin vào mắt mình. Nó giống như việc bạn đi xem một trận đấu bóng chày, nhưng đột nhiên lại biến thành trận đấu bò vậy, làm gì có ai mà không sửng sốt cơ chứ? Dành cho những độc giả sẽ đọc tác phẩm này trong tương lai, việc không được kể chi tiết hơn về truyện khiến tôi cảm thấy vô cùng bứt rứt và khó chịu. Nhân vật khiến độc giả tin chắc rằng đó chính là một nhà trinh thám lỗi lạc, lại có thể dễ dàng có cách hành xử như vậy cũng làm tôi cảm thấy choáng ngợp.
Tôi đã lo lắng rằng một tác phẩm khác lạ như thế này, đến cuối cùng liệu có thực sự phù hợp với thể loại trinh thám honkaku hay không, nhưng tác giả đã làm điều được đó một cách hoàn hảo, không một chút sai sót. Điều này quả thực rất tuyệt vời. Đây chính là sự kết hợp hoàn mĩ giữa một ý tưởng khác lạ với thể loại trinh thám honkaku.
Kitamura Kaoru
Có rất nhiều tác phẩm đã được gửi đến cho giải thưởng Ayukawa Tetsuya vào năm ngoái. Năm nay cũng có rất nhiều các tác phẩm dự tuyển rất đáng đọc, và với tư cách là một thành viên trong Hội đồng tuyển chọn, tôi đã dành rất nhiều tâm huyết để đọc chúng.
Thành thật mà nói thì Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc khiến tôi lúng túng. Không, đây thực sự là tác phẩm thú vị và rất đáng đọc, nhưng tôi đã lạc lối ở đâu và như thế nào mới được nhỉ? Dường như có một chút mâu thuẫn trong cách đọc của tôi về hai lớp rào chắn trong và ngoài xoay quanh vụ án trong truyện. Do có sự đồng nhất giữa cách thức thực hiện của con người cả bên trong lẫn bên ngoài, nên tôi đã từng mong đợi tác giả dẫn dắt câu chuyện đến kết thúc có sự xuất hiện của cả kẻ sát nhân hàng loạt lẫn vũ khí sinh học.
Vụ án cốt lõi của tác phẩm, về cách triển khai, cách dàn dựng bất khả kháng lẫn cách giải thích cho đến cuối cùng, tất cả đều không có khuyết điểm, một tác phẩm trinh thám honkaku xuất sắc, không thể sai được.
Tôi đã không thể nghĩ thông suốt được, cho đến khi nghe thấy cô Kano nhận xét rằng đây là một dạng mới của mô-típ “vòng khép kín”, tôi mới thực sự có thể lí giải được tất cả mọi thứ. Có vẻ như chỉ cần đặt yếu tố vũ khí sinh học ngang hàng với bão tuyết hay mưa bão là đủ. Nếu xem xét từ góc độ này thì ngay cả việc tên tội phạm thực sự tự xem xét lại bản thân mình cũng được giải quyết. Cân nhắc lại các kĩ thuật chi tiết được đánh giá cao như cách xử lí cabin thang máy và các bức tượng đồng, tôi có thể hoàn toàn nhất trí với ý kiến của hai thành viên còn lại trong Hội đồng tuyển chọn rằng đây chính là tác phẩm phù hợp nhất với giải thưởng Ayukawa Tetsuya năm nay.
Tsuji Masaki