ĐỒNG HỒ VÀ KÍNH VIỄN VỌNG PHƯƠNG TÂY
Đồng hồ cơ và dụng cụ quang học có thể coi là kết tinh của kĩ thuật phương Tây thời cận đại. Ở thế kỉ XVIII, tại Đàng Trong, có một người Việt đã bôn ba sang tận Hà Lan để học lấy những nghề đó và về tạo dựng một gia tộc làm được đồng hồ và kính viễn vọng trên chính quê hương mình.
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1726 - 1784) kể rằng, các chúa Nguyễn có chiếc đồng hồ Tây phương ở Thiên Văn nội viện bị hỏng, muốn tìm người sửa chữa. “Có người xưng là thợ kính của họ Nguyễn, trước có Nguyễn Văn Tú có thể làm được, bèn sai theo phép mà làm, mười ngày thì xong. Văn Tú lại chế tạo một cái đồng hồ hạng trung, cũng theo thức trên, trong bớt đi 5 bánh xe và 6 quả chuông nhỏ, cùng một đường dây, cho nên không đánh khắc mà chỉ đánh giờ. Đo với bóng của mặt trời mà nghiệm thì rất đúng, không sai. Văn Tú là người xã Đại Hào, huyện Đăng Xương. Khi nhỏ học ở nước Hòa Lan (tức Hà Lan), học hai năm biết được nghề, có thể chế các hạng đồng hồ và làm được kính thiên lí rất khéo. Đã 74 tuổi mà sức mắt như lúc trẻ. Em là Văn Thi, con là Văn Duy, con rể là Lương Văn Dũng, cả nhà đều biết nghề".
Như vậy, ông Nguyễn Văn Tú đã nắm vững nguyên lí của nghề đến mức không chỉ sửa chữa được mà còn biến tấu ra những kiểu đồng hồ mới tùy ý. Trước đây, chính quyền Đàng Trong từng đặt đồng hồ kiểu Tây ở các quân doanh để báo giờ, tuy nhiên việc chế tạo và sửa chữa hoàn toàn lệ thuộc vào các nhà truyền giáo phương Tây. Cũng theo Phủ biên tạp lục, chúa Nguyễn có một chiếc đồng hồ ở Thiên Văn Nội Viện bị hỏng. Giáo sĩ phương Tây là Từ Tâm Bá lần lữa nhiều năm không chữa được. Lại có người Khách (tức người Hoa) tên là Tài Phú, quê ở Ma Cao giỏi nghề đồng hồ, nhưng cũng lấy cớ tuổi già thoái thác không nhận. Bấy giờ Nguyễn Văn Tú tuy đã 74 tuổi nhưng vẫn có thể sửa xong.
Đây là một trong những ví dụ cho thấy từ xa xưa, ông cha ta đã chủ động trong việc tiếp thu văn minh thế giới như thế nào.